Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gỗ và nội thất, và vì thế doanh nghiệp trong nước lo ngại những công nhân lành nghề sẽ về tay các doanh nghiệp FDI.
Đây là thông tin được các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đưa ra tại chương trình Tôn vinh 10 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tiêu biểu 2015 và toạ đàm với các giám đốc điều hành (CEO) trong ngành chế biến gỗ do Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức tại TPHCM ngày 20-1.
Theo ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cách đây hơn 10 năm, nhận thấy Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản cho ngành gỗ, chế biến gỗ, đã có nhiều ý kiến xin Chính phủ lập trường dạy nghề, nhưng đến nay mọi chuyện chỉ dừng lại trên giấy. Vì thế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ phải tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo này trong thời gian tới có thể sẽ nghỉ việc ở các doanh nghiệp trong nước đề chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp FDI.
Theo các giám đốc doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, trước đây đã có tình trạng các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào lĩnh vực gỗ đã đưa ra chính sách lương thưởng cao để tuyển dụng lao động lành nghề, được đào tạo nhằm thu hút lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong nước.
Theo các doanh nghiệp, tình hình sẽ còn “tồi tệ hơn” khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của TPP.
Cụ thể, để thuận lợi hơn khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường của 12 nước TPP, nhiều khả năng ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào ngành chế biến gỗ Việt Nam. Như vậy, việc doanh nghiệp trong nước bị mất nguồn lao động có tay nghề về tay các doanh nghiệp FDI là điều khó tránh khỏi.
Trao đổi bên lề buổi tọa đàm với TBKTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tự bỏ chi phí đào tạo nghề cho công nhân, và thậm chí còn trả lương cho công nhân học việc. Giờ đây, các doanh nghiệp này đứng trước nỗi lo mất lao động, vì các doanh nghiệp FDI khi mới vào Việt Nam đều cần nguồn nhân lực có tay nghề và cách tốt nhất là trả lương cao để tuyển dụng những công nhân có trình độ.
“Theo tôi biết, khi đầu tư vào Việt Nam nhiều doanh nghiệp FDI thường chọn cách thức trả lương cao để thu hút lao động có tay nghề. Tại sao họ chấp nhận trả lượng cao còn doanh nghiệp trong nước không làm được. Câu trả lời rất đơn giản, đó là sản phẩm của những doanh nghiệp này bán ra thường cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước, và do đó, họ trả lương cao cũng là điều dễ hiểu”, ông nói.
Theo Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/